Mối quan hệ Việt-Pháp
qua một góc nhìn văn hóa
Nước Pháp là một quốc gia Châu Âu có nền văn hóa vô cùng phong phú. Thủ đô Paris hoa lệ nức tiếng là điểm hẹn của giới văn nghệ sỹ trên toàn thế giới. Cùng với những người bản địa, đất nước này còn tiếp đón nhiều luồng văn hoá, nhiều màu da, tiếng nói… trên khắp năm châu đến đây sanh sống, tạo thành một vẻ đẹp văn hoá đa dạng đầy sức sống. Nước Pháp chào đón nhiều khách bốn phương, nhưng không truyền bá văn hóa Pháp để đồng hóa các dân tộc bạn, ngược lại họ đã tiếp nhận thêm những nét văn hoá mới ngoài văn hoá bản địa, để văn hoá các dân tộc khác được tự do sanh sôi nảy nở và phát triển trọn vẹn, khiến cho nước Pháp trong mắt bạn bè thế giới là một quốc gia đa văn hoá, muôn màu muôn vẻ. Trong số những dân tộc trú ngụ trên đất nước này, Việt Nam là một trong những quốc gia Châu Á có nhiều mối quan hệ đặc biệt lâu đời với Pháp ở phương trời Tây xa xôi, nhất là về mặt văn hoá.
Quay ngược dòng thời gian vào thế kỷ thứ 16, có một nhà truyền giáo gốc người Pháp sanh tại Avignon là ông Alexandre de Rhodes – người đầu tiên viết ra tự điển bằng 3 thứ tiếng Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum Latinum) in tại Rome năm 1651, sau này quyển tự điển đã được các nhà ngôn ngữ học, sử học sử dụng để tham khảo cho các công trình nghiên cứu về chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Lịch sử ghi nhận ông là người đã hệ thống hoá cách viết của chữ Quốc ngữ, đã giúp cho dân tộc Việt Nam phổ biến được rộng rãi những trước tác được viết bằng ngôn ngữ Hán – Nôm.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người Pháp trong mọi lãnh vực đã đến Việt Nam tìm hiểu và nghiên cứu văn hoá của người Việt (hầu hết là những nhà dân tộc học) như các ông Cadiere, Haudricourt, Maspero, Cordier… và sau này có những nhà nghiên cứu nổi tiếng về Việt Nam học, điển hình như ông Emile Gaspardone, một đại giáo sư tại College de France về văn hoá và lịch sử Việt Nam, người đã dựng một thư mục đăng trong tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ năm 1934, gồm có 154 danh sách của các bài viết và sách báo đã được in ra bằng ngôn ngữ Hán – Nôm. Chính nhờ Giáo sư Emile Gaspardone khuyên mà tôi đã tìm đọc những cuốn sách phục vụ cho nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam như: Ức Trai di tập, Ức Trai thi tập, Dư địa chí, đại Việt sử ký toàn thư, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Lê triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ…
Bác sĩ Yersin là người đã xây dựng nên thành phố Đà Lạt mộng mơ nơi cao nguyên Trung phần Việt Nam, là người có công trong việc hình thành nét đẹp của thành phố này.
Nhà nghiên cứu Maurice Durand đã sưu tầm rất nhiều dân ca Việt Nam. Ông đã cùng với Giáo sư Pierre Huard (một giáo sư y học nhưng lại yêu thích văn hoá) viết ra quyển “Connaissances du Vietnam” (Những điều cần biết về Việt Nam). Đây là một cuốn sách tập trung tất cả những phong tục tập quán của người Việt Nam từ cách ăn mặc, làm việc, tiêu khiển, tín ngưỡng… để những ai muốn tìm hiểu văn hoá và con người Việt Nam có thể nắm sơ lược.
Khi người Pháp tìm hiểu văn chương Việt Nam, một số lớn khi gặp quyển Kim Vân Kiều hết sức khâm phục tài nghệ của cụ Nguyễn Du và có rất nhiều người Pháp chịu khó dịch lại hơn 3000 câu thơ. Năm 1884, ông Abel des Michels là người đầu tiên dịch truyện Kiều ra Pháp ngữ và in ra thành 3 bổn. Đến năm 1915, một nhà văn Pháp tên Leon Masse – một sỹ quan hải quân rất mê Truyện Kiều đã dịch ra toàn bộ truyện bằng tiếng Pháp mà lại lấy bút hiệu bằng tiếng Việt là Thu Giang. Năm 1926, một nhân viên của toà Khâm sứ Pháp tên là Rene Crayssac. 1943 một sỹ quan hải quân khác tên Marcel Robbe cũng dịch cuốn truyện Kiều sang tiếng Pháp… Điều này chứng tỏ trong tất cả những người Âu Mỹ có dịp tiếp cận với nền văn chương Việt Nam, đa phần chỉ có người Pháp là đi sâu vào lãnh vực này, họ tìm hiểu, thích thú và thưởng thức cái đẹp trong đó.
Khi người Việt sang sanh sống tại đất Pháp, cũng có một số người ngoài việc học tập người Pháp về mặt khoa học – kỹ thuật còn am hiểu văn hoá Pháp một cách sâu sắc. Người Việt sử dụng tiếng Pháp một cách tinh vi đến đỗi Hàn lâm viện Pháp phải tặng cho họ những giải thưởng.
Năm 1961, ông Phạm Văn Ký đã viết một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp “Perdre la demeure” (Đánh mất ngôi nhà) và được giải thưởng của Hàn lâm viện Pháp.
Sau này bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng được Hàn lâm viện Pháp tặng cho một giải thưởng đặc biệt vì anh đã cho xuất bản bằng tiếng Pháp nhiều quyển sách về lịch sử và văn hoá Việt Nam mà lời văn rất trau chuốt.
Giáo sư Phạm Duy Khiêm (anh ruột của nhạc sỹ Phạm Duy) là người đầu tiên được vào học trường Đại học Sư phạm đường Ulm cùng một khoá với cố Tổng thống Pháp Georges Pompidou và cố Tổng thống Senegal Louis Senghord, đã viết rất nhiều quyển sách bằng tiếng Pháp, rất được người Pháp yêu chuộng, chúng ta chỉ nhắc lại hai quyển: “Legendes des Terres Sereines” (Huyền thoại miền Thanh Lãng) bao gồm những mẩu chuyện truyền thuyết và cổ tích Việt Nam, và quyển “La femme de Nam Xương” (Người thiếu phụ Nam Xương).
Một người Việt nữa cũng từng học trường Đại học Sư phạm Pháp là triết gia Trần Đức Thảo cùng một khoá với triết gia rất nổi tiếng của phái Hiện Sinh là Jean Paul Sartre. Tôi đã từng gặp anh Trần Đức Thảo và cùng dùng cơm với anh tại tư gia của anh. Anh thuật lại cho tôi nghe một vài điều mà anh đã thảo luận với Jean Paul Sartre, nói cho tôi biết rằng trong những cuộc tranh luận đó, rất nhiều lần Jean Paul Sartre phải nhìn nhận Trần Đức Thảo có lý. Chắc các bạn ở Việt Nam không ngờ rằng một triết gia Pháp nổi tiếng thế giới mà chủ nghĩa Hiện Sinh của ông ảnh hưởng khá đậm nét trong giới triết học – văn chương – âm nhạc – thi ca lúc bấy giờ, lại có lần tranh luận tay đôi ngang hàng với nhau và chấp nhận những lý luận của Trần Đức Thảo.
Ngoài ra, một sinh viên Việt Nam lỗi lạc khác, trong hai tháng 5 và tháng 6 năm 1932, đã bảo vệ thành công hai luận án Tấn sĩ quốc gia Pháp về Luật và Văn chương lúc 22 tuổi. Ông là Nguyễn Mạnh Tường, “lưỡng khoa tấn sĩ” lừng danh trong lịch sử Việt Nam và Pháp. Năm 1989, khi Nguyễn Mạnh Tường trở lại Pháp, ông lại được nhắc tới với một sự tôn kính và khâm phục của Hiệu trưởng trường Đại học Paris VII: “Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư kính mến: hai bằng Tiến sĩ quốc gia ở tuổi 22" (Dẫn theo bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc). Tôi chưa từng được tiếp xúc với Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, nhưng qua những tư liệu đọc được về ông, tôi thấy trong số 4 luận án Tấn sỹ của ông (gồm 2 luận án chánh và 2 luận án phụ) thì đã có tới 3 đề tài về văn chương, luật pháp và xã hội Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường tuy học văn hoá Pháp, nhưng vẫn tôn trọng văn hoá Việt, và sau này về nước lại đem những hiểu biết đó về đào tạo sinh viên Việt Nam, giúp cho sinh viên Việt Nam hiểu biết thêm về văn hoá phương Tây để so sánh với văn hoá của mình.
Riêng tôi, khi bắt đầu sang Pháp năm 1949, đã từng theo học Luật Quốc tế tại Viện khoa học Chánh trị Paris (Institut d’etudes Politiques), đồng thời học khoá cử nhơn Anh văn tại Đại học Sorbonne – Paris. Đến năm 1951, tôi thi đậu ra trường Chánh trị với bằng cấp về Giao dịch Quốc tế (Relations Internationales), nhưng rồi vì bịnh nặng phải vào Viện dưỡng lao trong vòng 3 năm trời. Lúc đó, nhờ tổ chức xã hội rất tốt bên Pháp nên tôi dầu không có tiền nhưng vẫn được săn sóc đầy đủ. Khi ở tại Viện dưỡng lao Aire Sur l’Adour tận miền Nam nước Pháp, biết tôi đang soạn luận án Tấn sĩ tại đại học Sorbonne – Paris, tổ chức xã hội có phái một người đến lấy danh sách những tư liệu tôi cần tham khảo, lưu trữ tại Bảo tàng viện quốc gia Pháp (Paris) để người đó đích thân tìm những quyển sách đó đem đến đầu giường bịnh của tôi. Sau một tuần lại gom những cuốn sách đó trả trở lại cho thư viện. Nhờ vậy mà trong thời gian ở bịnh viện, tôi đã thực hiện được một bổn thư mục khá đầy đủ cho luận án của tôi. Để giúp cho tôi lần lần làm quen với cuộc sống hằng ngày, tôi được săn sóc tại Postcure de Sceaux (nhà để dưỡng bịnh sau khi được điều trị). Đến năm 1954, tôi xuất viện và theo học tại Viện nhạc học Paris (Institut de Musicologie). Tháng 6 năm 1958, tôi bảo vệ thành công luận án Tấn sĩ Đại học Văn khoa Pháp (môn Âm nhạc học) với luận án chánh: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” và luận án phụ: “Khổng Tử và âm nhạc”. Tôi được chấm ưu hạng với lời khen của ban giám khảo. Bách khoa từ điển Gallimard năm đó chuẩn bị viết một chương lớn về các truyền thống âm nhạc của Châu Á mà trong đó không có dự định cho Việt Nam một trang nào cả. Ông chủ biên Roland Manuel mời tôi đến và nói: “Tôi có được may mắn nghe ông bảo vệ luận án Tấn sỹ về âm nhạc Việt Nam, tôi thấy rằng truyền thống Việt Nam rất sâu sắc và khác hẳn văn hoá Trung Quốc, nhưng tôi không thể mời ông viết một bài về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong tình trạng ngày nay. Tôi đề nghị xén bớt mỗi truyền thống của Châu Á 1 trang và mót được 9 trang, chẳng hay ông có bằng lòng viết 1 bài về truyền thống Việt Nam với số trang áy không để cho việt Nam có mặt với các nước khác?”. Tôi bằng lòng và bài đó là bài đầu tiên được đăng trong một bách khoa từ điển âm nhạc danh tiếng của nước Pháp.
Tiếp tục, các nhà xuất bản Larousse, Fasquelles, Retz mời tôi viết bài về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc Châu Á. Nhờ đó trong giới nghiên cứu âm nhạc tôi đã có môt vị trí khả quan. Năm 1959, tôi được vào làm việc trong Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, khoa Âm nhạc học với chức vụ Tuỳ viên nghiên cứu (Attache de Recherches) được lãnh lương để nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, và tuần tự tôi lên chức thường là trước kỳ hạn. Năm 1963, lãnh chức vụ Chuyên viên nghiên cứu (Charge de Recherches). Như vậy là yên cả cuộc đời trong công việc nghiên cứu. 4 năm sau, 1967, tôi lãnh chức vụ Nghiên cứu sư (Maitre de Recherches), vị trí này được quyền định đoạt đề tài nghiên cứu cho mình, đồng thời có thể chỉ đạo nghiên cứu cho sinh viên soạn luận án Tấn sĩ. Năm 1971, lãnh chức Giám đốc nghiên cứu (Directeur de Recherches) ngang hàng với cấp bậc Giáo sư đại học. Trong mấy chục năm, tôi vừa có lương bổng đầy đủ, có tiền trợ cấp để mua dụng cụ nghiên cứu, có phương tiện về Việt Nam điền dã… và nhờ đó mà công trình nghiên cứu của tôi được phong phú, sâu sắc, tôi khỏi cần làm nghề gì khác để mưu sinh.
Sự kiện đó chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng nước Pháp rất tôn trọng văn hoá của các dân tộc khác và tạo điều kiện thuận tiện để cho họ phát triền nền văn hoá đó song song với việc tiếp nhận văn hoá Pháp trong đời sống và trong trường học. Người Pháp rất hãnh diện có được rất nhiều kiều dân không phải sanh tại nước Pháp mà được nổi danh từ đất nước Pháp, đem vinh dự chẳng những cho Pháp mà cho dân tộc của mình. Và người Việt Nam nói riêng và các dân tộc khác nói chung, trong mối quan hệ với nước Pháp, chẳng những tiếp thu được văn hoá Pháp, thành tài trên đất Pháp mà ngược lại họ còn tạo điều kiện cho nước Pháp có được một nền văn hoá đa dạng muôn hình vạn sắc. Đặc biệt là mối liên hệ sâu sắc giữa hai đất nước phương Tây và phương Đông như Pháp với Việt Nam.
TRẦN VĂN KHÊ
Bình Thạnh, Saigon mùa thu 21.09.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét