Giáo sư Trần Văn Khê - Ý chí và nghị lực, đó là đầu đề bài báo tôi viết về ông 15 năm trước. Thời gian ấy ông vẫn còn định cư ở Pháp, nhưng những chuyến trở về của ông luôn mang nặng hồn nước, bởi những buổi nói chuyện của ông luôn đưa người nghe về với cánh cò quê hương, với những tiếng đàn dân tộc trầm bổng, với những bài ca ngọt ngào, truyền cảm xen giữa câu chuyện thuyết phục đặc biệt…
Quả thực, nghe ông nói chuyện về âm nhạc dân tộc một lần hay nhiều lần… và dù có thể những điều ông trình bày không còn mới nữa, nhưng ông vẫn cứ cuốn hút người nghe, vẫn cười theo ông, vui buồn theo ông. Phải nói thực, biệt tài diễn thuyết của ông khó có người nào theo kịp. Tôi từng nghĩ, có lẽ nghiên cứu âm nhạc dân tộc sẽ còn nhiều người nối tiếp con đường của ông, có khi còn sâu sắc hơn ông nhưng truyền đạt được đến người nghe tình yêu nồng cháy với dòng âm nhạc này, có lẽ ông là người duy nhất.
Dạo ấy, có một căn phòng dành riêng cho ông ở khách sạn Majestic cho những chuyến trở về của ông. Và năm nào cũng vậy, ông như con thoi sáng, chiều cho những buổi nói chuyện không dứt ở các trường đại học, ở các nhà văn hóa, cả những nơi không liên quan gì đến nghệ thuật… dù ngay từ những năm ấy, sức khỏe của ông đã là một vấn đề đáng lo ngại. Ông tâm sự, từ năm 1951 sau khi tốt nghiệp đại học khoa giao dịch quốc tế, ông đã phải vào nằm bệnh viện suốt 3 năm, phải bị mổ đi mổ lại 5-6 lần. Nhưng khi đang nằm bệnh viện, ông vẫn tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Ông đang bị tiểu đường nặng, bị thấp khớp toàn thân, hai khớp xương bị lệch đè lên dây thần kinh nên thần kinh không chỉ huy được bước đi. Mỗi ngày ông phải tập dưỡng sinh và tự đọc lớn để giữ vững ý chí của mình: “Ta tự căng cột sống, sắp lại các khớp xương, thần kinh thông bất thống. Ta đi đứng như thường”.
Ý chí ấy đã giúp ông đứng vững khi mới sang Pháp vừa kiếm tiền trang trải việc học và tự nuôi mình bằng nhiều nghề. Ông phải đi đàn ở các hộp đêm, quán ăn và cả đi đóng phim. Ngày mới sang, đi đàn ở một tiệm cơm Việt Nam, vừa đàn vừa khóc vì không ai thèm nghe. Lúc ông đi đàn ở hộp đêm chỉ được 30 quan trong 15 phút, nhưng có một người Pháp kêu ông đàn cho riêng nhóm ông ta nghe và trả 1.000 quan mà ông không nhận, vì biết họ là nhóm dân thuộc địa cũ muốn mượn tiếng đàn của ông để tìm lại niềm vui những ngày họ làm chủ ở Việt Nam. Ông nói ông không thể đem tiếng đàn của mình để giúp cho họ nhớ lại thời kỳ họ đô hộ mình. Ông cười vui và nói đó là lòng tự ái dân tộc, nhìn thấy họ là không ưa rồi, làm sao mà đàn cho họ nghe được. Cũng có lúc ông đi đóng phim, đóng vai một sĩ quan Nhật, thử vai cùng 27 người Nhật thật, nhưng cuối cùng ông được chọn, được trả thù lao cao, một ngày đóng phim thù lao bằng 600 bữa ăn sinh viên. Sau đó, dù được mời tiếp tục, nhưng ông từ chối vì mục tiêu của ông là làm luận án tiến sĩ âm nhạc chứ không phải là trở thành diễn viên. Đó là điều ông muốn nói với giới trẻ bằng chính sự trải nghiệm của chính cuộc đời ông: “Khi đã quyết tâm làm chuyện gì phải biết có mục đích, có lý tưởng, không vì đồng tiền mà làm mất chủ định của mình. Tiền không phải ai cho cũng lấy, phải có lòng tự trọng của chính mình, của dân tộc mình. Phải bền chí, làm việc gì cũng phải cương quyết làm đến cùng, dù gặp bao nhiêu khó khăn cũng không sờn”. Ông vẫn thường nói chuyện ở các trường đại học, hầu như chỉ nói chuyện về âm nhạc dân tộc, và đó chính là ý nghĩa sống của cuộc đời ông. Ông muốn truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam khắp thế giới, muốn họ phải công nhận những nét hay, đẹp của âm nhạc nước mình. Nhưng bôn ba khắp năm châu mà trở về thấy lớp trẻ thờ ơ với chính vốn quý của dân tộc là điều làm ông đau lòng nhất. Ông đi truyền bá cho người mà chính tại đất nước mình, âm nhạc dân tộc đang dần bị lãng quên. Ông đã từng kêu gọi biết bao lần trong vô vọng rằng muốn thế hệ trẻ yêu nhạc đất nước mình thì phải có học, có hiểu mới có yêu. Không có giáo dục từ bé thì vốn quý của mình sẽ bị vùi chôn trong lớp bụi mờ quên lãng mà thôi.
Ở Paris ông sống một mình trong căn hộ nhỏ, tự nấu ăn lấy. Ông bảo ông nấu một nồi cơm và chia làm nhiều phần cho vào ngăn đá. Kho một nồi thịt, rồi mỗi bữa đem ra hâm lại bằng lò vi ba. Thế là xong bữa. Thời gian còn lại ông dành hết cho âm nhạc. Học trò ông rất nhiều, Âu, Á có đủ. Ông bảo ông không nhớ quê hương vì tâm hồn ông chưa bao giờ xa quê hương. Hơn nửa thế kỷ sống ở nước ngoài, nhưng ông chưa bao giờ phải chen một tiếng Pháp nào khi nói chuyện. Tiếng Việt sống trong ông như máu thịt, và với ông, chuyện quên một từ ngữ tiếng Việt nào là một trọng tội. Bởi vì đó thuộc về lòng tự trọng của một người con buộc lòng phải xa đất nước… Ngày mùng 1 Tết, ông thức dậy sớm, tắm rửa sạch sẽ, mở cửa đi ra ngoài thở một hơi dài và đi bách bộ khoảng 1 giờ. Xong ông trở về khai bút rồi khai đàn, mỗi cây đàn được lau chùi cẩn thận từ hôm trước. Theo phong tục Việt, ông gọi điện chúc mừng những bậc trưởng thượng và ngồi chờ điện thoại chúc mừng của con cháu… Ông vẫn nhớ những ngày tháng ngồi ăn bánh chưng, dưa giá ở Paris mà lòng nặng trĩu, vì tất cả đều có đủ, chỉ duy không khí quê hương là không thể có…
Cho nên khi gặp lại ông ở căn nhà ở đường Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM), căn nhà ông được nhà nước cấp để ở và cũng để làm bảo tàng, trông ông giống như con kình ngư được trở về với biển. Có cảm giác như ông được tiếp thêm sinh khí mới, những bệnh tật từ 15 năm trước vẫn còn đó, nhưng ông tươi tỉnh hơn và tràn đầy sức sống. Trong 10 năm sống ở quê hương, ông vẫn kiên trì với mục tiêu của mình, vẫn cố gắng hết sức mình truyền ngọn lửa nồng cháy tình yêu âm nhạc suốt hơn nửa thế kỷ nay vào tâm hồn những thế hệ cháu con…
Vâng, thưa bác Khê, tâm nguyện của bác đã có nhiều người cùng làm với bác, sẽ vẫn làm và chắc chắn không bao giờ để cho ngọn lửa ấy lụi tàn… Xin bác hãy thanh thản an nghỉ…
Nhà báo NGÔ NGỌC NGŨ LONG
(Ảnh: KV)